Danh mục sản phẩm

META QUEST 3 VRTECH

vr shinecon g04bs
 

0 - 100,050,000 vnđ        

Hướng dẫn lựa chọn kính thực tế ảo tốt nhất

Chào các bạn !
Các bạn đã bao giờ được trải nghiệm cảm giác của 1 trong 2 nhân vật chính, trong những bộ phim “bom lạng” chưa ? Kính thực tế ảo sẽ cho bạn cảm giác đó !
Mình tin chắc rằng rất nhiều bạn tìm tới thực tế ảo vì mục đích này. Tuy nhiên, thật không dễ dàng gì để lựa chọn một sản phẩm kính thực tế ảo đáp ứng được đúng nhu cầu sử dụng giữa hàng trăm mẫu mã và thương hiệu trên thị trường. Một số bạn lựa chọn kính theo quan điểm “Cứ đắt nhất là tốt nhất”, quan điểm này có thể là đúng nhưng chưa đủ, trong một số trường hợp nó gây ra sự lãng phí tiền không đang có. Vì vậy với bài viết này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm để các bạn có thể lựa chọn được sản phẩm kính thực tế ảo (dòng mobile vr) phù hợp nhất với điện thoại mà các bạn đang sử dụng. Bài viết chia sẻ với quan điểm:
 
“ KHÔNG CÓ SẢN PHẨM TỐT NHẤT, CHỈ CÓ SẢN PHẨM PHÙ HỢP NHẤT ”
 
BƯỚC 1: “CÁC BẠN CẦN XÁC ĐỊNH ĐIỆN THOẠI CỦA CHÚNG TA CÓ DÙNG ĐƯỢC VỚI THỰC TẾ ẢO HAY KHÔNG ?”
Đối tượng lựa chọn của chúng ta trong bài viết này là kính thực tế ảo dùng với điện thoại, vì vậy chúng ta cần kiểm tra xem cấu hình phần cứng và phần mềm của điện thoại có sử dụng được với thực tế ảo hay không.
 
1. Yêu cầu về hệ điều hành: Nếu điện thoại Android hoặc IOS thì được, còn WP thì thôi đừng mua kính thực tế ảo làm gì cho “ló” phí !
- Với điện thoại chạy HĐH Android: game và ứng dụng thực tế ảo trên kho ứng dụng Google Play cực kỳ đa dạng và miễn phí. Bên cạnh đó HĐH Android mã nguồn mở cũng tương thích rất tốt với các thiết bị hỗ trợ như tay game, remote điều khiển, các nút cảm ứng và điều hướng trên kính thực tế ảo. Đây chính là một lợi thế khi bạn sử dụng kính thực tế ảo kết hợp với một điện thoại Android, gần như bạn sẽ không bao giờ phải tháo điện thoại ra khỏi khay kính để chạm chạm vuốt vuốt vì các thiết bị ngoại vi đã hỗ trợ bạn đến tận răng rồi.
- Với điện thoại iOS (iPhone): các game và ứng dụng thực tế ảo trên kho ứng dụng Appstores của Apple không phong phú như Google Play nhưng nhìn chung đủ dùng, không có gì phải phàn nàn nếu bạn chưa từng dùng Android và không biết Android là cái gì. Tuy nhiên, iOS là HĐH mã nguồn đóng, khả năng tương thích các thiết bị ngoại vi kém, vì vậy khi sử dụng sẽ bất tiện hơn điện thoại Android. Khi cần lựa chọn một tác vụ nào đó, các bạn thường phải tháo điện thoại ra khỏi khay kính để trực tiếp thao tác. Cách đây khoảng 2 năm thì đây là một điều khá khó chịu nhưng thời điểm hiện tại thì đã được các nhà sản xuất ứng dụng khắc phục bằng cách lập trình tương tác theo điểm nhìn, vì vậy các bạn không cần quá bận tậm về vấn đề này.
- Với điện thoại WP: WP thì kho ứng dụng chả có cái “méo” gì mà dùng; game thì chẳng có cái “vẹo” nào ra hồn; xem phim thì phải chia SBS thủ công bằng phần mềm Hand, kích hoạt phầm mềm này cần phải trả phí “cơm, bún, cháo, phở … xxx tùm lum”. Nhìn chung WP thì không nên dùng với kính thực tế ảo.

2. Yêu cầu về chất lượng màn hình điện thoại: Kích thước màn hình tạo nên độ rộng không gian, độ phân giải tạo nên độ nét hình ảnh !
Kích thước và độ phân giải màn hình điện thoại với thực tế ảo có tính chất tương hỗ nhau. Tuy nhiên, trong bài viết này mình tạm tách riêng chúng ra một cách độc lập để dễ phân tích. Còn để tổ hợp chúng lại thì các bạn cứ từ từ mà ngâm cứu.
- Kích thước màn hình điện thoại: To quá thì đau, nhỏ quá thì đuôi chuột nhúng lọ mỡ, nói chung vừa vừa là “sướng” nhất. Vậy cái kích thước màn hình điện thoại vừa vừa với thực tế ảo nó nằm trong khoảng từ 4.7 inch cho tới 6.3 inch. Tuy nhiên, trong khoảng kích thước đó có khoảng kích thước tốt ưu, phù hợp nhất. Để đỡ phải đọc nhiều các bạn tham khảo hình ở dưới:

Kích thước màn hình tối ưu cho thực tế ảo nằm trong khoảng 5.5 inch đến 6.0 inch
- Độ phân giải màn hình điện thoại: Với thực tế ảo, độ phân giải của màn hình điện thoại quyết định phần lớn chất lượng hình ảnh mà chúng ta cảm nhận được. Độ phân giải càng cao chất lượng hình ảnh càng sắc nét và ngược lại.

Độ phân giải càng “to” thì càng “sướng”
 
3. Cảm biến con quay quy hồi trên điện thoại: Với những nội dung thực tế ảo 360, để có thể ngó nghiêng móc máy, ngoáy qua ngoáy lại thì điện thoại cần có cảm biến con quay quy hồi. Nếu không có cảm biến này thì các nội dung 360 độ sẽ không sử dụng được, bạn chỉ có thể xem phim giả lập side by side hoặc chơi game trên PC stream qua điện thoại roll bằng chuột và di chuyển bằng bàn phím. Theo quan điểm cá nhận của mình, điện thoại không có cảm biến con quay quy hồi thì không nên sử dụng với kính thực tế ảo. Tuy nhiên, đây cũng không phải là cảm biến gì cao cấp, các mẫu điện thoại ra mắt tại thời điểm 2017 tới hiện tại đa phần được trang bị phần cứng này. Để kiểm tra thông tin chi tiết các bạn có thể hỏi anh Gu Gồ; liên hệ hỏi shop mà các bạn mua điện thoại hoặc hỏi trực tiếp nhân viên tư vấn của các shop bán kính để họ check giùm các bạn.

Như vậy, với bước 01 các bạn đã có thể xác định được điện thoại của các bạn có dùng được với thực tế ảo hay không và chất lượng ra sao rồi. Tiếp đó, để lựa chọn được kính thực tế ảo phù hợp với điện thoại, chúng ta cần nắm rõ một số các thông tin cơ bản về thông số kỹ thuật.

BƯỚC 02: CÁC THÔNG SỐ KỸ THUẬT CẦN CHÚ Ý
Kính thực tế ảo đơn thuần chỉ có cấu tạo vật lý quang học nên các thông số kỹ thuật đơn giản và không có nhiều. Thấu kính là bộ phân quan trọng nhất, vì vậy khi có ý định chọn mua một sản phẩm kính thực tế ảo các bạn cần chú ý tới các thông số như sau:

1. Góc nhìn thấu kính (FOV): 

Góc nhìn càng rộng trải nghiệm không gian càng chân thực, hạn chế viền đen
 
Để đơn giản, các bạn có thể hiểu góc nhìn của thấu kính giống như khái niệm độ phóng đại. Các nhà sản xuất kính thực tế ảo thường đi theo 2 xu hướng, kính có góc nhìn hẹp và kính có góc nhìn rộng. Có thể một số bạn sẽ cho rằng kính góc rộng thì “xịn” hơn kính có góc nhìn hẹp, điều đó không đúng trong mọi trường hợp.
- Kính có góc nhìn rộng: Góc nhìn càng lớn thì thì hình ảnh càng được phóng lớn, hình ảnh càng phóng lớn thì trải nghiệm về không gian sẽ càng rộng, hạn chế viền đen từ đó cho bạn trải nghiệm về nội dung và không gian ảo chân thực hơn các kính có góc nhìn hẹp. Các kính thực tế ảo góc nhìn rộng thường có thông số góc nhìn là 120 độ, đây cũng là góc nhìn tiệm cận với góc nhìn của mắt người bình thường. Tuy nhiên, các kính thực tế ảo có góc nhìn rộng thường có độ phóng đại hình ảnh rất lớn vì vậy sẽ không phù hợp với các điện thoại màn hình có độ phân giải thấp hoặc kích thước quá nhỏ. Thông thường để sử dụng tốt với kính góc rộng, điện thoại cần có kích thước màn hình từ 5.5 inch và độ phân giải từ Full HD trở lên. Kính góc rộng sẽ đáp ứng tốt với những bạn có nhu cầu sử dụng để chơi game hoặc các nội dụng VR 360 vì với những nội dung này, độ chân thực của không gian trải nghiệm được ưu tiên hàng đầu. Một số mẫu kính góc rộng các bạn có thể tham khảo như Mojing S1, Fiit VR 6F, Bobo VR Z5 và nhiều loại khác nữa.
- Kính có góc nhìn hẹp: Ngước lại với góc nhìn rộng, kính thực tế ảo có góc nhìn hẹp thường không phóng quá lớn hình ảnh vì vậy sẽ cho độ sắc nét tốt và hạn chế tính trạng vỡ hạt pixcel hơn những kính góc rộng. Nhưng bù lại, với kính góc hẹp các bạn sẽ bị mất trải nghiệm về không gian rộng và viền đen sẽ khá lớn khiến cho cảm giác chân thực bị hạn chế phần nào. Kính VR góc hẹp thường chia làm 2 phân loại. Loại thứ nhất có góc nhìn < 100 độ rất hẹp, loại này thường là những mẫu cũ sản xuất từ 2016 trở về trước. Loại thứ hai có góc nhìn cân bằng ~ 110 độ, loại này không phóng quá lớn và cũng không quá nhỏ. Kính thực tế ảo góc hẹp sẽ được lựa chọn cho điện thoại có kích thước màn hình nhỏ và độ phân giải thấp để tránh tình trạng phóng hình quá lớn gây vỡ hạt pixcel của hình ảnh. Kính phù hợp với những bạn chỉ có nhu cầu sử dụng kính VR để xem phim (ít chơi game và sử dụng các nội dụng vr 360) vì khi xem phim, chất lượng hình ảnh sắc nét là yếu tố vô cùng quan trọng. Một số mẫu kính thực tế ảo các bạn có thể tham khảo như VR Shinecon 2018 SC-Y006, Fiit VR 5F hoặc 3F, VR Box 3.

2. Cấu tạo vật lý của thấu kính:
Hiện nay có 2 dạng cấu tạo vật lý được sử dụng làm thấu kính cho các kính thực tế ảo đó là thấu kính phi cầu lồi truyền thống và thấu kính phi cầu Fresnel.

Thấu kính Fresnel là sự lựa chọn tối ưu khi cần trải nghiệm thực tế ảo chất lượng cao.
 
- Thấu kính Fresnel có cấu tạo răng cưa nên mỏng và trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều so với thấu kính phi cầu truyền thống. Với đặc tính vật lý của thấu kính fresnel, các tia sáng đi qua thấu kính hội tụ gần như chính xác tại 1 điểm tiêu cự (Focal Point) nên chất lượng hình ảnh sẽ sắc nét hơn các thấu kính truyền thống. Để gia công được thấu kính Fresnel cần công nghệ phức tạp và độ chính xác cao vì vậy hiện tại kính thực tế ảo sử dụng thấu kính Fresnel thường có giá cả tương đối cao. Hiện tại, rất ít kính thực tế ảo sử dụng thấu kính Fresnel do chi phí khá đắt đỏ, một số mẫu các bạn có thể tham khảo như HTC Vive, Oculus Rift và Mojing S1.
- Còn thấu kính phi cầu tròn truyền thống có thể dễ dàng gia công, nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ cũng có thể gia công được nên chất lương không tương đồng mặc dù có cùng thông số lý thuyết. Vì vậy, nếu các bạn đang có ý định mua kính thực tế ảo dùng thấu kính truyền thống thì nên lựa chọn các thương hiệu lớn đã được kiểm định như BoboVR, Shinecon, FiitVR. Các bạn cũng nên tham khảo thật kỹ các thông tin và đặc điểm của hàng chính hãng để tránh mua phải sản phẩm giả kém chất lượng, những sản phẩm này hầu hết sử dụng thấu kính được gia công rất kém, góc nhìn hẹp và thậm chí còn có vẩn đục ở trong lòng thấu kính khiến cho hình ảnh rất tệ. Theo kinh nghiệm của mình, hiện tại VR Box 2 và VR Shinecon 2015 là 2 loại kính đang được bán tràn lan trên các trang mạng mua bán với mức giá rẻ chỉ từ 50,000 cho tới 200,000 hầu hết là hàng giả kém chất lượng. Hai mẫu kính này mặc dù đã làm mưa làm gió hồi năm 2015 nhưng đã ngưng sản xuất từ giữa năm 2016 để tập trung ra mắt các sản phẩm mới như VR Box 3, VR Shinecon 2017 G02E và giờ là VR Shinecon 2018 SC-Y006, các kho hàng tại Trung Quốc đều đã không còn hàng tồn.

Những đường tròn đồng trục là đặc trưng của thấu kính Fresnel
 
3. Vật liệu chế tạo thấu kính:
Thống kê hiện tại có 2 loại vật liệu dùng để chế tạo thấu kính dùng cho kính thực tế ảo dòng Mobile VR đó là nhựa Resin và nhựa PMMA:

- Nhựa Resin: Nhựa epoxy resin là một dạng chất lỏng màu nâu hoặc màu vàng trong, không mùi, có tính kháng nước tốt, cứng và dai, được dùng để đúc mẫu. Có rất nhiều loại resin với phạm vi ứng dụng khác nhau: Resin in 3D, Resin đúc tượng, Resin đúc mẫu sáp chảy, Resin đúc răng hàm trong nha khoa, Resin đúc thấu kính. Resin là một chất trong suốt, nhưng tùy vào công nghệ của từng nhà sản xuất mà có độ màu clear water ( trắng trong suốt) & yellow tint ( có độ ngả vàng) khác nhau. Một số loại Resin mặc dù sản phẩm hoàn thành là trắng trong suốt nhưng do thuộc nhóm Resin Polyester không có tính kháng UV nên sẽ bị ngả vàng trong quá trình sử dụng, điều này lý giải tại sao kính thực tế ảo dùng cho các sự kiện ngoài trời thường xuất hiện tình trạng ám vàng hình ảnh sau 1 thời gián sử dụng. Bên cạnh đó một số sản phẩm hàng giả sử dụng Resin thuộc nhóm Polyurathane nên thành phẩm thấu kính xuất hiện bọt khí, ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng hình ảnh.
- Nhựa PMMA: Poly(methyl methacrylate) (PMMA), cũng có các tên gọi khác như thủy tinh hữu cơ, nhựa acrylic hoặc thủy tinh acrylic. Các tên thương mại của PMMA có thể kể đến như Plexiglas, Acrylite, Lucite và Perspex. PMMA là một nhựa nhiệt dẻo trong suốt thường được sử dụng ở dạng tấm, miếng như một vật liệu nhẹ, khó bể vỡ có thể được dùng để thay thế cho kính và thủy tinh (vì vậy, nó có tên gọi là thủy tinh hữu cơ). Mặc dù không phải là một loại thủy tinh silica quen thuộc, nhưng về mặt kỹ thuật nó giống như một vật liệu dạng thủy tinh (ở chỗ nó là một chất không kết tinh, không có cấu trúc tinh thể) vì thế trong lịch sử, đôi khi nó được gọi là "thủy tinh" acrylic. Về phương diện hoá học, đó là các polyme (hợp chất cao phân tử) tổng hợp của methyl methacrylate. Vật liệu này được phát triển vào năm 1928 trong các phòng thí nghiệm khác nhau bởi nhiều nhà hóa học như William Chalmers, Otto Rohm và Walter Bauer và lần đầu tiên được đưa ra thị trường vào năm 1933 bởi Công ty Rohm and Haas dưới thương hiệu Plexiglas. PMMA là một chọn lựa kinh tế hơn với giá thành thấp để thay thế polycarbonate (PC) khi không cần thiết độ dày và cứng cao. Ngoài ra, PMMA không chứa các tiểu đơn vị bisphenol-A có khả năng gây hại có trong polycarbonate. Nó thường được ưa thích vì tính chất vừa phải của nó, dễ dàng xử lý và chế biến, và chi phí thấp. PMMA chưa qua chế biến có thể dễ gãy khi chịu tải trọng lớn, đặc biệt là dưới một lực tác động, và dễ bị trầy xước hơn so với thủy tinh vô cơ thông thường, nhưng với PMMA đã qua chế biến, có thể chịu được va đập và có độ chống trầy xước cao.
- Blue Lens: Nếu để ý các bạn có thể thấy thông tin sản phẩm mới ra mắt của Fiit VR là Fiit VR 6F sử dụng thấu kính Blue Lens. Thực chất đây không phải là vật liệu sản xuất thấu kính mà chỉ là 1 lớp vật chất được tráng lên bề mặt thấu kính, khi soi dưới ánh sáng sẽ có ánh xanh còn khi xem hình ảnh qua thấu kính thì hoàn toàn trong suốt không quan sát được màu xanh đó. Lớp blue lens này có tác dụng hạn chế các tia sáng có bước sóng không có lợi cho mắt, từ đó hạn chế tình trạng nhức mỏi mắt khi sử dụng liên tục trong khoảng thời gian dài. Do vậy, thấu kính Blue Lens thường được các bạn nghiền xem phim dưới dạng giả lập màn hình rạp chiếu phim lựa chọn. Còn những bạn sử dụng xem clip 360 hoặc chơi game thì cũng không cần quan tâm nhiều do các nội dung trên thường có thời lượng ngắn chỉ từ 5-15 phút. Nếu các bạn nào đã sử dụng kính VR Box 2 chính hãng còn nhớ, trong bộ sản phẩm của VR Box 2 chính hãng luôn có tấm Film lọc sáng, tấm Film đó chính là lớp Blue Lens này nhưng hiện tại công nghệ tiên tiến đã cho phép tráng thẳng lên thấu kính chứ không cần dùng tấm Film rời như trước kia.

Với những đặc tính hóa học trên, vật liệu Thủy tinh hữu cơ PMMA có chất lượng tốt hơn so với vật liệu nhựa Resin do hạn chế được tình trạng ám vàng thấu kính sau 1 thời gian sử dụng. Độ trong suốt của thủy tinh PMMA là 97.3 % còn nhựa resin là 93.7%, trải nghiệm thực sự cho thấy mắt thường khó phân biệt độ trong suốt giữa 2 vật liệu. Một số bạn có thể đã từng nghe người bán nói kính của họ làm từ thủy tinh, sa phia, pha lê ... tùm lum tà la nhưng hiện tại mình khẳng định là không có kính thực tế ảo có thấu kính làm từ chất liệu vô cơ như vậy, để kiểm chứng các bạn cứ nói người bán đập thử thấu kính ra là sẽ biết ngay. Bán hàng có thể nói quá, nhưng nói sai thông tin thì là một chuyện khác hoàn toàn.

Cuối cùng, theo mình một thấu kính thực tế ảo tốt nhất là sử dụng chất liệu thủy tinh hữu cơ PMMA được tráng thêm Blue Lens thì càng tốt, có cấu tạo vật lý Fresnel và có góc nhìn rộng (về góc nhìn thì là quan điểm cá nhân, vì mình chơi game nhiều ít xem phim).
 
BƯỚC 03 – LỰA CHỌN KÍNH THỰC TẾ ẢO THEO ĐIỆN THOẠI
Yếu tố ưu tiên để lựa chọn kính thực tế ảo là độ phân giải, sau đó đến kích thước màn hình. Mình sẽ chia thành các trường hợp như sau:

1. Độ phân giải HD, kích thước < 5 inch: Nên dùng với kính thực tế ảo có góc nhìn hẹp 100 độ.
2. Độ phân giải HD, kích thước ≥ 5 inch: Nên dùng với kính thực tế ảo có góc nhìn hẹp 110-112 độ.
3. Độ phân giải ≥ Full HD, kích thước 4.7 – 5.2 inch: Nên dùng với kính góc hẹp 110-112 độ.
4. Độ phân giải ≥ Full HD, kích thước 5.5 – 6.3 inch: Nên dùng với kính góc rộng 120 độ.  

BƯỚC 04 – LỰA CHỌN KÍNH THỰC TẾ ẢO THEO NHU CẦU SỬ DỤNG
Theo kinh nghiệm tư vấn của mình, kính thực tế ảo thường được sử dụng cho các mục đích như sau

1. Xem phim 2D giả lập 3D Side by Side: Với các phim bình thường, kể cả các clip hoặc ảnh bạn quay chụp bằng camera điện thoại đều có thể được xem dưới dạng thực tế ảo bằng cách chia hình ảnh thành 2 màn hình gọi là chia side by side. Các nội dung này cho bạn trải nghiệm như đang được xem trong rạp chiếu phim với màn hình vô cùng lớn. Với nhu cầu này, độ nét hình ảnh là quan trọng vì vậy bạn nên lựa chọn kính thực tế ảo có góc nhìn ~110 độ. Nếu ngồi xem thì lựa chọn kính có vòng đeo trợ lực và tai nghe, còn nếu nằm xem thì không cần vì sẽ vướng víu.

2. Xem các clip 360 độ: Các nội dung này cho bạn trải nghiệm như đang được đứng trong không gian thực tế ảo, ngó lên thấy trời, ngó xuống thấy đất, nhìn trước thấy Maria Ozawa và ngó sau thấy Yui Hatano. Với các nội dung này bạn nên lựa chọn kính thực tế ảo có góc nhìn rộng ~120 độ.

3. Chơi Game VR cài trên điện thoại: Các game thực tế ảo có không gian 360 độ, trải nghiệm không gian vô cùng quan trọng nên lựa chọn tốt nhất chính là kính VR có góc nhìn rộng 120 độ. Bên cạnh đó, cũng nên chọn những kính có trọng lượng nhẹ để có thể thoải mái khi di chuyển. Nếu kính có khối lượng nặng thì nên có vòng đeo trợ lực, tránh bị dồn lực về phía trước.

4. Chơi game PC stream qua Mobile: Một số bạn sử dụng cách này để chơi call of duty hoặc GTA5, với phương thức truyền dữ liệu bằng cáp USB thông qua ứng dụng Trinus. Hình ảnh stream từ PC qua điện thoại nếu để chất lượng cao thì giật lag, nên theo kinh nghiệm của mình thì thường để tối ưu về tốc độ rồi giảm bớt về chất lượng hình ảnh để chuyển động game được mượt mà hơn. Vì vậy, chất lượng hình ảnh thường chỉ từ HD tới Full HD tùy vào cấu hình điện thoại. Với chất lượng hình ảnh như vậy, lựa chọn kính thực tế ảo có góc nhìn 110-112 độ sẽ hợp lý.

KẾT LUẬN:

Trong bài viết trên, với kinh nghiệm của mình, mình đã chia sẻ với các bạn một chút hiểu biết của mình về các sản phẩm kính thực tế ảo và cách thức để lựa chọn một sản phẩm phù hợp. Hy vọng các bạn có thể lựa chọn được sản phẩm ưng ý. Một số nội dung thể hiện quan điểm cá nhân, có thể đúng hoặc sai vì vậy các thông tin chia sẻ chỉ mang tính chất tham khảo, mình sẽ không chịu trách nhiệm với các sản phẩm các bạn lựa chọn mua sau khi tham khảo bài viết của mình. Để có người chịu trách nhiệm cho các quyết định của các bạn, mình khuyến khích các bạn nên tích cực tra tấn tinh thần tư vấn viên của các shop bán kính thực tế ảo và kiểm chứng thông tin được tư vấn bằng bài viết của mình.

Cảm ơn các bạn đã đọc tới dòng cuối cùng này. Hy vọng nhận được sự ủng hộ làm động lực để mình có thêm hưng phấn lan man thêm ... !
 
TIN TỨC KHÁC
  • Vui lòng đợi ...

    Đặt mua sản phẩm

    Xem nhanh sản phẩm

    Chat Zalo